icon icon icon
Câu chuyện pháp luật: Xác lập quyền sở hữu đối đối với gia súc bị thất lạc
Thứ Ba, ngày 11 tháng 6 năm 2024 - 14:49 - Lượt xem: 31


Chiều hôm nay cũng như bao buổi chiều khác, ông An làm công việc vui nhất trong ngày là lùa đàn trâu đã ăn no ngoài đồi về chuồng nhà mình. Vừa lùa trâu vào chuồng ông An vừa hát bài hát quen thuộc “Bài ca năm tấn”. Hát nhưng ông vẫn không quên đếm đàn trâu, mà thế nào hôm nay ông đếm đi đếm lại đàn trâu vẫn thừa một con.

Ông An: (vừa chạy, vừa gọi). Bà nó ơi, bà nó ơi.

Bà Bình: Gì mà ông hớt hải thế, có việc gì bình tĩnh nói tôi nghe xem nào?

Ông An: Đàn trâu nhà mình ý, hôm nay tôi lùa vào chuồng thấy có thừa một con.

Bà Bình: Ông nói thế nào chứ, liệu có nhìn gà hóa quốc không, ông là chúa hay nhầm thế đấy.

Ông An: Không nhầm được là không nhầm được, tôi đã đếm đi, đếm lại nhiều lần rồi. Giờ nó vào chuồng nhà mình là trâu của nhà mình rồi, đúng không bà?

Bà Bình: Đúng rồi, tự dưng nó đi về chuồng nhà mình thì là của nhà mình rồi, mình không ăn cắp, ăn trộm của ai, mà là nó tự đi lạc vào chuồng nhà mình là của nhà mình rồi.

Ông An: Vậy thì mình xử lý con trâu này như thế nào nhỉ, gọi thợ đến bán đi có được không?

Bà Bình: Được đấy, để mai tôi gọi ông Quảng chuyên mua trâu, bò đến.

Đúng lúc đó, ông Phương - Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải của thôn cũng đến nhà ông, bà An - Bình để thông báo về việc họp thôn.

Ông Phương: Có việc gì mà hai bác vui vẻ thế, thế bác gái chưa chuẩn bị cơm tối à?

Bà Bình: Bác Trưởng thôn đấy à? Tôi cũng đang nấu đây, mà tự dưng ông An lại chạy về báo tin vui.

Ông Phương: Tin vui gì vậy ạ?

Ông An: Nhà tôi mới có thêm một con trâu đấy.

Ông Phương: Thế thì tốt quá, chúc mừng ông, bà nhé. Thế trâu đó là ông, bà mới mua à?

Ông An: Không mất tiền mua mà tự dưng có mới vui chứ.

Ông Phương: Sao lại không mất tiền mua?

Bà Bình: Là thế này, ông An nhà tôi hôm nay lùa trâu về chuồng thế nào mà lại có một con trâu về theo, trâu về nhà tôi là của nhà tôi rồi đúng không ông? Ông An nhà tôi không bắt trộm của ai, cũng không lùa trâu của nhà khác về nhà mình mà nó tự về theo đàn trâu của nhà tôi, thế nên trâu đó là của nhà tôi rồi?

Ông Phương: Thế ông An có thấy con trâu đó giống con trâu nào của các nhà trong thôn mình không?

Ông An: Không chứ, tôi nhìn và kiểm tra kỹ rồi, trâu của các nhà trong thôn mình tôi rõ trong lòng bàn tay, nếu mà của họ, tôi biết tôi đã gọi họ đến mà nhận lại ngay rồi. Con trâu này lạ, không phải là trâu của nhà nào trong thôn này đâu, thế nên tôi mới tính mai gọi thợ đến bàn con trâu này đi.

Ông Phương: Ông không bán được đâu vì con trâu đó chưa phải là trâu nhà ông.

Bà Bình: Sao lại không phải là trâu nhà tôi được ạ?

Ông Phương: Cái này ý, tôi đã được nghe tập huấn và tuyên truyền nhiều rồi, Điều 231 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc như sau: 1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc”.

Theo đó, khi có trâu bị thất lạc đến, nếu ông không biết là trâu của nhà ai để trả lại thì ông phải nuôi giữ con trâu đó và ra ngay Ủy ban nhân dân xã để đề nghị thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ở đây, trâu nhà mình không thả rông theo tập quán, thế nên sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai nếu không có ai đến nhận lại thì lúc đó con trâu mới là của nhà ông.

Ông An: Thế à, tôi lại cứ nghĩ trâu tự đến nhà mình thì là của nhà mình rồi.

Bà Bình: Tôi cũng nghĩ như thế, may mà có bác Trưởng thôn nói cho, chứ không biết lại còn định mai gọi thợ đến để bán.

Ông An: Vậy mai tôi sẽ ra Ủy ban nhân dân xã để thông báo ông ạ.

Ông Phương: Đúng rồi, mai ông ra luôn đi cho nó kịp thời, thông báo sớm để người bị mất trâu sớm biết mà nhận lại.

Ông An: Thế như ông nói, trong vòng 06 tháng nếu có người đến nhận lại và đúng là trâu của họ thì phải trả cho họ à?

Ông Phương: Đúng rồi, phải trả cho người ta chứ.

Bà Bình: Thế thì công nhà tôi chăm sóc, nuôi giữ con trâu trong thời gian đó thì tính như thế nào?

Ông Phương: Trường hợp đó, chủ sở hữu con trâu khi nhận lại trâu sẽ phải thanh toán cho ông, bà tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho ông, bà.

Ông An: Con trâu này là trâu cái, mà tôi thấy có đang chửa ý, mấy tháng nữa trâu đẻ, người ta mà đến nhận trâu thì có được nhận luôn cả nghé không, hay con nghé đó nhà tôi được hưởng?

Ông Phương: Nếu con trâu đó đẻ trong thời gian ông nuôi giữ thì khi có người đến nhận lại, ông được hưởng 50% giá trị của con nghé đó.

Bà Bình: Thế là con nghé đó sẽ bổ làm đôi, mỗi nhà một nửa ông Phương nhỉ?

Ông Phương: Bà Bình cứ vui tính, bổ làm đôi thì nó sống thế nào được, mà bé thế thì cũng chưa ăn được. Được hưởng 50% giá trị nghĩa là nếu ai lấy nghé thì sẽ phải trả cho người kia số tiền trị giá của 50% con nghé.

Bà Bình: Tôi đùa ông tý thôi. Ông nói tôi đã hiểu rồi, may mà có ông giải thích vợ, chồng tôi mới hiểu ra.

Ông Phương: Thế này mới thấy là ông, bà chưa chịu khó đi nghe tuyên truyền pháp luật đâu nhé, nội dung này tôi nắm được khi tham gia buổi tuyên truyền và thi tìm hiểu pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức tại thôn mình hồi đầu năm đấy. Hôm đó tôi có thông báo cho toàn thể bà con trong thôn đi dự mà.

Bà Bình: Ấy chết, không phải là nhà tôi không chịu khó đi đâu, mà hôm đó nhà tôi có việc bận mà, hôm đấy là đám hỏi đứa cháu họ nên cả hai vợ chồng phải đi đám hỏi đó, tôi hứa với ông lần sau tôi sẽ tham gia đầy đủ.

Ông Phương: Thế thì có cơ hội cho ông, bà thực hiện lời hứa đây, hôm nay tôi đến là để thông báo, mời ông, bà đến ngày kia, đúng 20 giờ có mặt ở Nhà Văn hóa thôn để tham gia họp thôn, hôm đấy công chức của xã cũng thực hiện tuyên truyền pháp luật cho người dân trong thôn đấy.

Ông An, bà Bình: (đồng thanh). Hôm đấy nhất định cả hai vợ chồng tôi cùng tham dự rồi.

Ông Phương: Thế thôi, ông bà cơm nước đi, tôi cũng về đây, hôm này ông, bà nhớ tham gia họp thôn đầy đủ nhé.

Ông Phương ra về lòng thấy vui vì việc tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật đã trang bị cho ông thêm nhiều kiến thức, qua đó giúp ông thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của người Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải, giúp cho ông bà An – Bình hiểu được quy định của pháp luật, tránh được việc làm đáng tiếc có thể xảy ra, ông còn vui hơn nữa vì đã giúp cho ông bà Bình – An thấy được tầm quan trọng của việc tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật do các cơ quan, đơn vị tổ chức, và hy vọng rằng, tới đây sẽ có nhiều hơn nữa các hình thức mang pháp luật đến với người dân./.






Tổng số: 987 | Trang: 1 trên tổng số 99 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: