icon icon icon
Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh Tuyên Quang
Thứ Hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024 - 10:36 - Lượt xem: 544

Ngày 19/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 141/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh Tuyên Quang.

Chương trình xúc tiến đầu tư đã xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2024, cụ thể như sau:

1. Quan điểm

Huy động mọi nguồn lực đầu tư vào tỉnh; trong đó chú trọng các nguồn vốn đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), coi đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn đóng góp vào ngân sách cho tỉnh. Tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu... Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện về hạ tầng, đất đai, thủ tục hành chính, nguồn nguyên liệu, lao động để thu hút các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, đóng góp nhiều cho ngân sách. Huy động các nguồn lực xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistic...

2. Mục tiêu

Tập trung mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các dự án đã thu hút được triển khai thực hiện nhanh chóng và thuận lợi; cải cách, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại. Đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Cải tiến phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng tăng cường tính chủ động trong xúc tiến, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài; thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn, Cụm công nghiệp An Hòa - Long Bình An, Cụm công nghiệp Yên Sơn, Cụm công nghiệp Trung Môn, huyện Yên Sơn. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế; tập trung rà soát, lập kế hoạch, phương án giải phóng mặt bằng quỹ đất hiện còn tại các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư.

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về quỹ đất, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,... để thu hút các dự án mới thuộc các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như: Nông nghiệp công nghệ cao; lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, điện tử; du lịch,... Phấn đấu trong năm 2024, thành lập 355 doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng.

3. Định hướng

3.1. Về ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư

Tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghệ thông tin; chú trọng phát triển các trục giao thông trọng điểm, có tính liên vùng, kết nối thông suốt với các đầu mối giao thông trong khu vực miền núi phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, trục phát triển đô thị để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.

Thúc đẩy thu hút đầu tư “Xanh”, gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tạo động lực tăng trưởng dài hạn. Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án thuộc các lĩnh vực như sau:

- Lĩnh vực công nghiệp: Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp: Long Bình An, Nhữ Khê - Đội Cấn (khu công nghiệp dọc hai bên cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ), Tam Đa,... Thành lập các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Cụm công nghiệp Yên Sơn và Cụm công nghiệp Trung Môn, huyện Yên Sơn; Cụm công nghiệp An Hòa - Long Bình An, thành phố Tuyên Quang, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang,...

Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao (sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử, bán dẫn, chíp điện tử, năng lượng tái tạo,...), công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

- Lĩnh vực dịch vụ, thương mại và du lịch: Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp tại thành phố Tuyên Quang, các dự án đầu tư cơ sở lưu trú tại huyện Na Hang và huyện Lâm Bình; các tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp (trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, dịch vụ về giáo dục đào tạo, y tế quốc tế...); các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, sinh thái, thương mại dịch vụ; các cơ sở y tế ngoài công lập; các dự án thành lập các cơ sở giáo dục, các mô hình giáo dục mới, có giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục,...

3.2. Về đối tác thu hút đầu tư

- Đối tác trong nước: Ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có uy tín, có thương hiệu; những nhà đầu tư là đối tác có uy tín của các ngân hàng, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước; nhà đầu tư có dự án đầu tư sản xuất kinh doanh thành công tại các địa phương khác, có nhu cầu chuyển đến sản xuất kinh doanh tại Tuyên Quang; những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đầu tư thành công, uy tín tại tỉnh.

- Đối tác nước ngoài: Tập trung thu hút các đối tác có năng lực tài chính, có công nghệ cao, có bề dày kinh nghiệm là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam, như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... Tổ chức làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Hiệp hội Doanh nghiệp: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức; Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn - Việt (KOVECA), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (KIBIZ),... Tiếp tục duy trì các thị trường đối tác truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...); tìm kiếm, mở rộng thu hút các đối tác đến từ các nước: Singapore, Hungary, Séc, Cu ba, Canada, Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Pháp,... các tập đoàn, tổng công ty, công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước.

3.3. Về phương thức xúc tiến, thu hút đầu tư

Lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại làm hạt nhân, chủ động tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp với các đối tác; thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài thông qua các đoàn công tác của tỉnh tại nước ngoài (Nhật Bản, Hungary, Séc, Thụy Điển, Đức, Ba Lan, Pháp, Trung Quốc); tăng cường các kênh xúc tiến đầu tư trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư để tiếp xúc, quảng bá rộng rãi đến các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin về môi trường, thủ tục cũng như những ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

4. Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2024

4.1. Nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời cập nhật các xu hướng đầu tư trên thế giới, các định hướng của Đảng, Chính phủ; phối hợp với đại diện xúc tiến đầu tư tại các nước để nắm bắt định hướng chính sách của nước sở tại và các Tập đoàn lớn.

Thu thập thông tin, nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng đầu tư, nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn đã, đang và có nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Triển khai cùng các hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, tiếp cận, kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước có năng lực về tài chính - công nghệ cao về công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế...

Khảo sát, làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá nhằm xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút mở rộng các nguồn vốn và quy mô dự án của nhà đầu tư phù hợp với lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

4.2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư

Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Hungary, Hoa Kỳ, Canada, một số nước Châu Âu: Thuỵ Điển, Đức, Ba Lan, Pháp, Séc). Gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch và các hoạt động đối ngoại của tỉnh, các chương trình văn hóa,... qua đó quảng bá về hình ảnh, đất và người Tuyên Quang nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan Trung ương tại các thị trường trong nước và quốc tế. Giới thiệu, quảng bá, mời gọi xúc tiến đầu tư bằng hình thức làm việc trực tiếp, trực tuyến, gửi thư mời, tài liệu thu hút đầu tư, sản phẩm tiêu biểu địa phương...

Phối hợp với các cơ quan báo chí của các Bộ, ngành Trung ương xây dựng chuyên mục Xúc tiến đầu tư, làm phóng sự, các chuyên đề nhằm quảng bá hình ảnh, cơ chế chính sách và môi trường đầu tư tại tỉnh Tuyên Quang. Đẩy mạnh truyền thông trên các ứng dụng công nghệ, như: Sách điện tử, Youtube, Zalo, Facebook, các Trang Thông tin điện tử của tỉnh,...

Cập nhật, cung cấp đầy đủ thông tin về đầu tư và chủ động giới thiệu tiềm năng, cơ hội, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh trên Trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến đầu tư (www.ipc.tuyenquang.gov.vn), Dulichtuyenquang.gov.vn; lehoithanhtuyen.com; santmdttuyenquang.gov.vn và trang thông tin điện tử của tỉnh (www.tuyenquang.gov.vn). Liên kết Trang thông tin điện tử xúc tiến đầu tư của tỉnh với Trang Thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan.

Thông qua Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá và mời gọi đầu tư. Gửi tài liệu, ấn phẩm của tỉnh tới các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư, các Hội chợ thương mại trong và ngoài nước. Trong đó, tập trung vào Đại sứ quán Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài tại các nước: Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Hungary, Hoa Kỳ, Canada, một số nước Châu Âu (Thuỵ Điển, Đức, Ba Lan, Pháp, Séc).

4.3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư

Cung cấp các thông tin chung về Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách, thủ tục pháp lý, đối tác,... Hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát thực địa, chủ động liên hệ và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài triển khai các thủ tục đầu tư.

Tổ chức các Chương trình “Cà phê doanh nhân”; Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh; các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa cơ quan nhà nước với các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tổ chức các hội thảo triển khai, phổ biến đến doanh nghiệp, nhà đầu tư về các văn bản, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến hoạt động đầu tư.

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; đa dạng hóa các kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thân thiện, an toàn, minh bạch.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư năm 2024 và những năm tiếp theo.

4.4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư

Duy trì và thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, nâng cấp hệ thống thông tin và số hóa các cơ sở dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư, hạ tầng kỹ thuật; quy định pháp luật, chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Khả năng cung ứng lao động,... nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, lập và triển khai dự án đầu tư.

Xây dựng đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang”; nâng cấp Trang thông tin điện tử “Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang”; cơ sở dữ liệu về Khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các tiêu chí: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, vị trí, tính chất ngành nghề, giá thuê đất, điện, nước.... tỷ lệ lấp đầy, danh sách các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp... để cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.

4.5. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư

Tổng hợp, xây dựng, cập nhật, bổ sung thông tin danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu, lĩnh vực đầu tư của từng quốc gia hay đối tác đầu tư, bao gồm dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; du lịch, dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; chíp điện tử; hạ tầng, kỹ thuật đô thị; các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên,...

Danh mục dự án sau khi rà soát sẽ được công khai trên các kênh thông tin, Trang thông tin điện tử của tỉnh, đồng thời được công bố rộng rãi tại các chương trình, hội nghị xúc tiến đầu tư.

4.6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư

Tổng hợp, xây dựng và cập nhật, bổ sung thông tin của bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu,... của các đối tác đầu tư, bao gồm: Tờ gấp "Tuyên Quang - Tiềm năng và cơ hội đầu tư", thông tin chi tiết về Danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư, các clip giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang theo chuyên đề, lĩnh vực, với các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tua, tuyến, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch, cẩm nang du lịch; sách, ảnh các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh;... Nâng cao chất lượng các sản phẩm thông tin đối ngoại, xúc tiến đầu tư khác (bản tin đối ngoại, bản tin xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, các tin bài, phóng sự, video clip) bằng nhiều ngôn ngữ (tiếng Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc,...) để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tuyên Quang, tiềm năng kinh tế, cơ hội hợp tác, đầu tư của tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa các ấn phẩm, tài liệu Xúc tiến đầu tư để tiếp xúc, quảng bá đến rộng rãi các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin về môi trường, thủ tục cũng như những ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

4.7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về: Kỹ năng xúc tiến đầu tư, tư vấn đầu tư, quản trị Thông tin điện tử, thuyết trình dự án, thiết kế tài liệu quảng bá xúc tiến đầu tư, hệ thống hóa, số hóa các thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

Tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm về xúc tiến đầu tư tại một số tỉnh, thành phố thực hiện có hiệu quả trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư. Cử cán bộ tham gia giao ban, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ do các Bộ, ngành liên quan tổ chức nhằm năng cao năng lực, kỹ năng, cập nhật kiến thức, xu thế và cách thức thu hút đầu tư.

4.8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư

Thực hiện có hiệu quả Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 13/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Phối hợp với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc triển khai các chương trình hợp tác, hội chợ thương mại, du lịch để tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực. Tổ chức các Hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu quảng bá, kêu gọi xúc tiến các dự án đầu tư vào tỉnh.

Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng cường hợp tác liên kết vùng để thu hút, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã kí với các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, An Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên,... nhằm phát triển hiệu quả và bền vững.

Phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Giang; các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Trung Bộ... để xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các khu, điểm du lịch trong tỉnh, liên tỉnh góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Chủ động tìm kiếm và tăng cường thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hungary, Séc, Đức, Ba Lan, Canada, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc... và một số nước phát triển với công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, thân thiện môi trường nhằm khai thác lợi thế của địa phương, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác ngoại giao kinh tế với địa phương, tổ chức nước ngoài đã có quan hợp tác với tỉnh, như: Tỉnh Xiêng Khoảng, tỉnh Phông-sa-lỳ (Lào), thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn - Việt, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, bang Hessen và bang Mecklenburg - Vorpommern (Đức),... thông qua các hoạt động hợp tác cụ thể, phù hợp, đặc biệt là thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thương mại, du lịch, giáo dục, đào tạo nghề, lao động,...

Tin: Trương Lan.






Tổng số: 125 | Trang: 1 trên tổng số 13 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: