icon icon icon
Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
Thứ Năm, ngày 21 tháng 4 năm 2022 - 14:45 - Lượt xem: 1.640

Người khuyết tật từ lâu đã là một đối tượng được ưu tiên hỗ trợ pháp lý. Từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đến Luật trợ giúp pháp lý 2017 đều quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính là một trong các đối tượng được Trợ giúp pháp lý, được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí, đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong các hoạt động xã hội, trong đó có việc tiếp cận dịch vụ pháp lý.

 Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp (sau đây gọi chung là Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước) đã chủ trì thực hiện và đáp ứng 100% yêu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý, Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 và các kế hoạch của UBND tỉnh.

Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được thực hiện thông qua các hình thức như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, truyền thông về trợ giúp pháp lý... các hoạt động trợ giúp pháp lý được lồng ghép nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 40 trường hợp là người khuyết tật (gồm: tham gia tố tụng cho 33 người, tư vấn pháp luật cho 06 người, đại diện ngoài tố tụng cho 01 người). Trong quá trình tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật; các vụ việc trợ giúp pháp lý đạt chất lượng tốt và người được trợ giúp pháp lý hài lòng với kết quả giải quyết vụ việc. 

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cũng chú trọng thực hiện các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật; biên soạn tài liệu pháp luật, tờ gấp pháp luật về chính sách trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật. Năm 2021, Trung tâm Trợ giúp pháp lý  đã thực hiện 26 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở, thông qua đó đã tư vấn, hướng dẫn các quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội cho 21 người khuyết tật, cung cấp hơn 16.000 tờ gấp pháp luật, truyền thông về trợ giúp pháp lý. 

Ảnh: Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở

Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo, giao Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Ủy ban nhân nhân cấp xã, bảo đảm 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu. Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà  với số tiền trên 6.000.000 đồng và một số đồ dùng như chăn ấm, quần áo...cho  người nghèo, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn với tấm lòng tương thân, tương ái, cùng chung tay chia sẻ nhằm phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, "lá lành đùm lá rách".


Ảnh: Trợ giúp viên pháp lý thăm hỏi người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn

Mặc dù vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: số người khuyết tật được trợ giúp pháp lý, truyền thông về pháp luật còn ít, chưa thường xuyên, chưa đa dạng về hình thức và cách thức tiếp cận đối với từng đối tượng khuyết tật; một số người khuyết tật còn mặc cảm, tự ti, có sự hạn chế về trình độ nên chưa mạnh dạn thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình khi có những vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng, kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý, phù hợp với tâm lý, điều kiện của người khuyết tật; tăng cường công tác phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Nguyễn Phương   Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước






Tổng số: 131 | Trang: 1 trên tổng số 14 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: