icon icon icon
Quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình về điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo bạo lực gia đình
Thứ Ba, ngày 26 tháng 3 năm 2024 - 13:34 - Lượt xem: 43

Ngày 14/11/2022, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 và thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (sau đây viết tắt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022). Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 Quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống bạo lực gia đình, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2023 (sau đây viết tắt là Nghị định 76/2023/NĐ-CP).

 

 

Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang trân trọng giới thiệu quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và Nghị định 76/2023/NĐ-CP về Điều kiện bảo đảm về phòng, chống bạo bạo lực gia đình thông qua nội dung Hỏi – đáp dưới đây.

 

1. Hỏi: Tài chính về phòng, chống bạo lực gia đình gồm những nguồn nào và được bố trí như thế nào?

Đáp:

Khoản 1 và khoản 2 Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về tài chính phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Nguồn tài chính phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm: (1) Ngân sách nhà nước; (2) Nguồn viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; (3) Các nguồn tài chính hợp pháp khác.

- Ngân sách nhà nước cho phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Hỏi: Việc bố trí, dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 31 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về bố trí, dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

- Đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ để chi cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Hỏi: Việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 32 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện lập dự toán, chấp hành ngân sách, kế toán và quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Việc sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và trong phạm vi dự toán chi ngân sách được giao.

- Mức chi quy định tại Nghị định 76/2023/NĐ-CP là mức tối đa để cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội lập dự toán chi cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi cụ thể nhưng không vượt quá mức chi quy định tại Nghị định 76/2023/NĐ-CP để thực hiện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.

4. Hỏi: Nội dung chi, mức chi cho hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 33 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi cho hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Chi thông tin, truyền thông, giáo dục thông qua hình thức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Chi thông tin, truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng: Nội dung và mức chi nhuận bút xây dựng bản tin, phóng sự, tọa đàm về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện theo quy định của Chính phủ về chi chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

- Chi thông tin, truyền thông, giáo dục thông qua loa truyền thanh theo quy định của Chính phủ về chi nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

- Chi sản xuất và phát hành băng rôn, panô, áp-phích, tranh cổ động: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ và quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Chi tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm tại cộng đồng:

+ Bồi dưỡng luyện tập chương trình mới: Tối đa 100.000 đồng/người/buổi; số buổi luyện tập tối đa cho một chương trình là 10 buổi;

+ Bồi dưỡng trong chương trình biểu diễn: Tối đa 300.000 đồng/người;

+ Bồi dưỡng người dẫn chương trình: Tối đa 500.000 đồng/buổi;

+ Chi xăng xe hoặc thuê phương tiện, chụp ảnh tư liệu, thiết bị, dụng cụ và các khoản thuê khác: Mức chi theo thực tế căn cứ vào hợp đồng, hóa đơn, chứng từ, giá thị trường tại địa phương và quy định của pháp luật.

- Chi tổ chức chiến dịch truyền thông tại cộng đồng:

+ Chi xây dựng kịch bản: Tối đa 1.000.000 đồng/kịch bản;

+ Bồi dưỡng người dẫn chương trình: Tối đa 500.000 đồng/người/buổi;

+ Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia chiến dịch truyền thông tại cộng đồng: Tối đa 100.000 đồng/người/buổi;

+ Chi xăng xe hoặc thuê phương tiện, chụp ảnh tư liệu, thiết bị, dụng cụ và các khoản thuê khác: Mức chi theo thực tế căn cứ vào hợp đồng, hóa đơn, chứng từ, giá thị trường tại địa phương và quy định của pháp luật.

- Chi biên soạn tài liệu mẫu để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình: Thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

5. Hỏi: Nội dung chi, mức chi tổ chức thi tìm hiểu về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 34 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi tổ chức thi tìm hiểu về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Biên soạn đề thi và đáp án: Mức tối đa 2.000.000 đồng/đề thi kèm đáp án.

- Bồi dưỡng chấm thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: Mức tối đa 500.000 đồng/người/buổi.

- Bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức, thư ký cuộc thi: Mức tối đa 350.000 đồng/người/buổi.

- Chi giải thưởng: Mỗi cuộc thi có tối đa 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 03 giải khuyến khích, mức chi giải thưởng như sau:

+ Chi giải nhất: Giải tập thể cấp trung ương tổ chức 30.000.000 đồng/giải thưởng, cấp tỉnh tổ chức 20.000.000 đồng/giải thưởng, cấp huyện tổ chức 10.000.000 đồng/giải thưởng, cấp xã tổ chức 5.000.000 đồng/giải thưởng. Giải cá nhân cấp trung ương tổ chức 20.000.000 đồng/giải thưởng; cấp tỉnh tổ chức 10.000.000 đồng/giải thưởng; cấp huyện tổ chức 5.000.000 đồng/giải thưởng; cấp xã tổ chức 2.500.000 đồng/giải thưởng;

+ Chi giải nhì: Giải tập thể cấp trung ương tổ chức 20.000.000 đồng/giải thưởng, cấp tỉnh tổ chức 10.000.000 đồng/giải thưởng, cấp huyện tổ chức 5.000.000 đồng/giải thưởng, cấp xã tổ chức 2.500.000 đồng/giải thưởng; Giải cá nhân cấp trung ương tổ chức 10.000.000 đồng/giải thưởng; cấp tỉnh tổ chức 5.000.000 đồng/giải thưởng; cấp huyện tối đa 2.500.000 đồng/giải thưởng; cấp xã tổ chức 1.250.000 đồng/giải thưởng;

+ Chi giải ba: Giải tập thể cấp trung ương tổ chức 10.000.000 đồng/giải thưởng, cấp tỉnh tổ chức 5.000.000 đồng/giải thưởng, cấp huyện tổ chức 2.500.000 đồng/giải thưởng, cấp xã tổ chức 1.250.000 đồng/giải thưởng. Giải cá nhân cấp trung ương tổ chức 5.000.000 đồng/giải thưởng; cấp tỉnh tổ chức 2.500.000 đồng/giải thưởng; cấp huyện tổ chức 1.250.000 đồng/giải thưởng; cấp xã tổ chức 700.000 đồng/giải thưởng;

+ Chi giải khuyến khích: Giải tập thể cấp trung ương tổ chức 5.000.000 đồng/giải thưởng, cấp tỉnh tổ chức 3.000.000 đồng/giải thưởng, cấp huyện tổ chức 1.500.000 đồng/giải thưởng, cấp xã tổ chức 750.000 đồng/giải thưởng. Giải cá nhân cấp trung ương tổ chức 2.500.000 đồng/giải thưởng; cấp tỉnh tổ chức 1.250.000 đồng/giải thưởng; cấp huyện tổ chức 700.000 đồng/giải thưởng; cấp xã tổ chức 350.000 đồng/giải thưởng.

- Chi hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho thành viên ban tổ chức, thành viên hội đồng thi trong những ngày tổ chức cuộc thi, thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho thí sinh tham gia cuộc thi (kể cả ngày tập luyện và thi, tối đa không quá 10 ngày), áp dụng mức chi hỗ trợ tiền ăn, nghỉ đối với đại biểu không hưởng lương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Những người đã được hưởng khoản hỗ trợ nêu trên thì không được thanh toán công tác phí ở cơ quan, đơn vị.

- Thuê dẫn chương trình: Tối đa 2.000.000 đồng/người/buổi.

- Thuê hội trường và thiết bị phục vụ cuộc thi sân khấu: Mức chi theo thực tế căn cứ vào hợp đồng, hóa đơn, chứng từ.

- Thuê diễn viên biểu diễn văn nghệ:

+ Cá nhân tối đa 300.000 đồng/người/tiết mục;

+ Tập thể tối đa 5.000.000 đồng/tập thể/tiết mục và không quá 300.000 đồng/người/tiết mục tập thể.

- Chi tổng hợp báo cáo kết quả cuộc thi:

+ Đối với cuộc thi cấp trung ương: Tối đa 5.000.000 đồng/báo cáo;

+ Đối với cuộc thi cấp tỉnh: Tối đa 3.000.000 đồng/báo cáo;

+ Đối với cuộc thi cấp huyện: Tối đa 2.000.000 đồng/báo cáo;

+ Đối với cuộc thi cấp cơ sở: Tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo.

- Chi họp báo thông cáo báo chí về cuộc thi:

+ Chi xây dựng thông cáo báo chí: Tối đa 1.000.000 đồng/thông báo;

+ Chi thù lao cho phóng viên báo chí được mời tham dự họp báo: Tối đa 100.000 đồng/người/buổi họp báo;

+ Chi cho người chủ trì họp báo: Tối đa 300.000 đồng/buổi họp báo;

+ Chi cho người tham gia trả lời câu hỏi của phóng viên, báo chí tại buổi họp báo: Tối đa 200.000 đồng/người/buổi họp báo.

6. Hỏi: Nội dung chi, mức chi xây dựng, triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 35 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi xây dựng, triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Chi nghiên cứu xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện theo quy định của pháp luật về nội dung và mức chi thực hiện các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá.

- Chi soạn thảo mô hình: Tối đa 20.000.000 đồng/mô hình.

- Chi cho người tham gia triển khai thực hiện mô hình: Mức chi theo thực tế số ngày tham gia, tối đa 100.000 đồng/người/ngày hoặc khoán chi tối đa 2.000.000 đồng/người/tháng.

- Các khoản chi khác thực hiện theo thực tế, căn cứ vào hóa đơn, chứng từ và theo các quy định của pháp luật có liên quan.

7. Hỏi: Nội dung chi, mức chi hoạt động tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 36 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi hoạt động tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Chi hỗ trợ thiết lập phòng, bộ phận tư vấn: điện thoại, máy tính, thiết bị, vật tư thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Chi biên soạn tài liệu mới; chỉnh sửa, bổ sung cập nhật tài liệu phù hợp với nội dung tư vấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Chi thù lao cho nhân viên tư vấn theo chế độ hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc: Mức chi theo thỏa thuận dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền công.

- Chi các khoản điện, nước, văn phòng phẩm, phô tô tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ, giá thị trường tại địa phương nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/tháng/cơ sở.

8. Hỏi: Nội dung chi, mức chi giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 37 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình như sau:

- Chi biên soạn tài liệu giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

- Chi biên soạn bộ câu hỏi trắc nghiệm để nhận diện hành vi bạo lực gia đình và đánh giá về kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình; kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình (soạn thảo câu hỏi thô; rà soát, lựa chọn và nhập các câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được quản lý trên phần mềm máy tính): Thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông.

- Chi phổ biến pháp luật trực tiếp cho người có hành vi bạo lực gia đình: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

9. Hỏi: Nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 38 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình như sau:

- Việc hỗ trợ chi phí tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện tư vấn cho người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình.

- Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc, việc hỗ trợ áp dụng như quy định đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

- Trường hợp người bị bạo lực gia đình bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

10. Hỏi: Nội dung chi, mức chi hỗ trợ bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 39 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi hỗ trợ bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Chi hỗ trợ bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình:

+ Cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm xã hội được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả chế độ trợ cấp tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, vệ sinh, an toàn lao động.

+ Cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được đơn vị sử dụng lao động chi trả các chế độ theo quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn lao động.

+ Trường hợp cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình thuộc đối tượng khác được hỗ trợ theo chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp hoặc được hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội.

- Chi hỗ trợ bù đắp thiệt hại về tài sản cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình:

+ Cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình khi trực tiếp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình mà bị thiệt hại về tài sản nhưng người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thiệt hại thì được Nhà nước hỗ trợ bù đắp đối với tài sản bị thiệt hại.

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình bị thiệt hại về tài sản thành lập Hội đồng xác định mức độ hỗ trợ thiệt hại cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Thành phần Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

11. Hỏi: Nội dung chi, mức chi phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 40 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng như sau:

- Cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng được hưởng chế độ bồi dưỡng hằng tháng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định và ngân sách địa phương bảo đảm.

- Hằng năm, cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Mức chi áp dụng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

- Cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình được tham dự các cuộc thi, hội nghị, hội thảo trong khu vực, liên khu vực để trao đổi kinh nghiệm công tác, được hưởng các chính sách theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và pháp luật có liên quan.

- Mỗi cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình được trang bị dụng cụ, công cụ phù hợp với điều kiện và khả năng tài chính của địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

12. Hỏi: Nội dung chi, mức chi hoạt động phối hợp liên ngành, sơ kết, tổng kết về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 41 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về nội dung chi, mức chi hoạt động phối hợp liên ngành, sơ kết, tổng kết về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Chi tổ chức cuộc họp, hội nghị triển khai nhiệm vụ, sơ kết, tổng kết, tập huấn nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình, gồm:

+ Chi bồi dưỡng cho đại biểu: Tối đa 100.000 đồng/người/buổi.

+ Chi xây dựng báo cáo chuyên đề: Tối đa 8.000.000 đồng/báo cáo.

+ Chi xây dựng báo cáo sơ kết: Tối đa 10.000.000 đồng/báo cáo.

+ Chi xây dựng báo cáo tổng kết: Tối đa 12.000.000 đồng/báo cáo.

+ Chi bồi dưỡng viết bài tham luận, bài kỷ yếu hội nghị sơ kết, tổng kết: Tối đa 2.000.000 đồng/bài tham luận.

+ Chi văn phòng phẩm, in ấn tài liệu và các khoản chi khác có liên quan thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ chi hội nghị.

- Chi công tác kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình trong khu vực, liên khu vực: Thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

13. Hỏi: Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là tập hợp thông tin về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện như sau:

+ Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

+ Thông tin trong cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có giá trị pháp lý.

+ Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là tài sản của Nhà nước phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

+ Tổ chức, cá nhân có nhu cầu về thông tin, dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được khai thác, sử dụng qua cổng thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình ở trung ương, địa phương; khi thực hiện khai thác thông tin, dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

14. Hỏi: Việc phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 44 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình cùng cấp để triển khai, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

- Việc phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, bảo đảm chủ động, hiệu quả; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức tham gia phối hợp liên ngành.

- Hoạt động phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình ở trung ương và địa phương được thực hiện theo quy chế phối hợp liên ngành và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp do Thủ tướng Chính phủ quy định.

15. Hỏi: Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 45 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức, kỹ năng cần thiết khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

- Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, Chi hội trưởng của các đoàn thể và Ban Chỉ đạo công tác gia đình được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình./.





Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: