icon icon icon
Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị làm việc với doanh nghiệp nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển
Thứ Năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 - 16:09 - Lượt xem: 127

Ngày 03/10/2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 402/TB-VPCP Kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp của nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Theo đó, Thường trực Chính phủ kết luận một số nội dung như sau:

1. Quan điểm chỉ đạo

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo điều hành sau: 

- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, ngoài nước, những vấn đề đột biến có thể xảy ra, những khó khăn đã tích tụ nhiều năm để kịp thời đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, chính sách sát với tình hình thực tế, có tính khả thi và hiệu quả cao. 

- Doanh nghiệp nhà nước cần phát huy tối đa nguồn lực đang nắm giữ (với 3,8 triệu tỷ đồng tài sản, đóng góp 29% vào GDP của đất nước) để tập trung phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế. 

- Doanh nghiệp nhà nước cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi, tập trung cho phát triển bền vững của đất nước. 

- Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, huy động, phát huy nguồn lực của Nhà nước để dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. 

- Phát huy tinh thần đại đoàn kết, bản sắc, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, đạo đức kinh doanh, phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. 

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; trong đó tập trung vào đổi mới công tác lãnh đạo của đảng trong doanh nghiệp nhà nước, đổi mới tổ chức Đảng, đổi mới đánh giá, sắp xếp, sử dụng cán bộ cho phù hợp với tình hình. 

2. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới đối với các doanh nghiệp nhà nước

- Phải tăng cường đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cụ thể hóa bằng các đề án, dự án cụ thể. 

- Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước sát với tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn mà phải tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. 

- Tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; chủ động, tích cực tham gia các dự án mang tính đột phá, các dự án lớn đang triển khai như hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, các dự án về chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.... 

- Tăng cường trách nhiệm đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, các ưu đãi cần thiết, góp phần phát triển nhanh, bền vững, sát với thực tế. 

- Đề cao đạo đức doanh nhân, trách nhiệm xã hội, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bảo vệ người yếu thế, người gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ; chăm lo, cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động. 
- Cùng nhau và cùng với các cơ quan nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. 

- Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ , EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN,... 

- Cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau khi gặp khó khăn, thách thức; cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật. 

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,... góp phần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, các địa phương và cả nước. 

Đồng thời, Thường trực Chính phủ kết luận về các nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, bộ, ngành, cơ quan liên quan./.

Tin: Trương Lan
 






Tổng số: 123 | Trang: 1 trên tổng số 13 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: