icon icon icon
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Chủ nhật, ngày 19 tháng 9 năm 2021 - 09:17 - Lượt xem: 572

Sáng ngày 16/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế bằng hình thức truyền hình trực tuyến tại 65 điểm cầu trên toàn quốc.

 Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện Lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị điểm cầu tỉnh Tuyên Quang

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược. Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó giao người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tạo điều kiện không gian, nguồn lực cả nhân lực và tăng cường ưu tiên liên quan tài chính, ngân sách, ưu tiên đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh nâng cao chất lượng các văn bản liên quan thể chế với tinh thần ở cấp nào cấp đó giải quyết, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các địa phương.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương dành thời gian rà soát lại, hệ thống lại những gì còn vướng, những gì cần để báo cáo. Thủ tướng nêu rõ, đây là việc hết sức quan trọng, cần thống nhất nhận định đánh giá, thống nhất xác định mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu, đánh giá mặt hạn chế, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để khắc phục. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế không chỉ làm cho năm nay mà định hướng cho cả nhiệm kỳ, các nhiệm kỳ sau để bố trí thời gian, nguồn lực cho phù hợp, hiệu quả nhất.

Hội nghị đã được nghe: (1) Bộ Tư pháp báo cáo chuyên đề về yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021 - 2026, định hướng đến năm 2030; (2) Văn phòng Chính phủ báo cáo công tác xây dựng thể chế của Chính phủ năm 2021; nhiệm vụ phối hợp trong xây dựng thể chế, pháp luật - thực trạng và giải pháp; (3) Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo công tác xây dựng và thi hành pháp luật về đất đai - thực trạng và định hướng hoàn thiện trong thời gian tới; (4) Ý kiến của các địa phương: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Gia Lai, Lai Châu, Quảng Ninh, An Giang về thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật hiện hành về phân cấp, phân quyền, an sinh, xã hội, đầu tư, kinh doanh… một số kiến nghị hoàn thiện thể chế và việc vận dụng thể chế để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; (5) Phát biểu của đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh- Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; (6) Phát biểu của  GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị điểm cầu tỉnh Tuyên Quang

Sau khi nghe các ý kiến tham luận, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu một số vấn đề trong  công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế và đặt ra một số yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể như sau: Thứ nhất, người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của  xây dựng và hoàn thiện thể chế; dành thời gian, công sức thỏa đáng, ưu tiên nguồn lực về tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất, đặc biệt tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ và bảo đảm điều kiện, chế độ, chính sách cho những người tham gia. Thứ hai, cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế. Thứ ba, làm sao để thể chế là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển, trong đó phát huy tối đa nguồn lực con người, nguồn lực thiên nhiên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử. Thứ tư, phải rà soát những vướng mắc của thể chế từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn, mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật. Thứ năm, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ kiểm tra giám sát, quy định trách nhiệm, cắt giảm các thủ tục hành chính.

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình ban hành và sửa đổi luật. Đối với các đề xuất cụ thể tại Hội nghị, Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan tổng hợp, xử lý, báo cáo, đề xuất Chính phủ hoặc tham mưu Chính phủ báo cáo, đề xuất Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết./.

Tin, ảnh: Ngọc Loan






Tổng số: 336 | Trang: 1 trên tổng số 34 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: