+ Ngày 11/07/2021 Ông/bà Dương thanh tùng, địa chỉ: Tổ 16. Phường Tân Hà. TP Tuyên Quang hỏi: Xin cho tôi hỏi 1 câu hỏi như sau. Gia đình tôi và gia đình vợ nhà tôi đều quê quán ở tỉnh thái bình. Nay lên tỉnh tuyên quang sinh sống đã lâu. Từ đời ông bà. Và chúng tôi đc sinh ra và lớn lên ở tỉnh tuyên quang. Nay chúng tôi kết hôn và vẫn sịn sống tại tỉnh tuyên quang. Vậy chúng tôi muốn khai quê quán cho con chúng tôi là tỉnh tuyên quang có được không?

Ngày 20/07/2021 Sở Tư pháp đã trả lời như sau:

 Pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch trong từng thời kỳ có quy định khác nhau về việc xác định thông tin quê quán của công dân trong Giấy khai sinh. Trường hợp công dân Dương Thanh Tùng hỏi nêu trên không nêu đầy đủ các thông tin về thời điểm đăng ký khai sinh của từng cá nhân, do vậy, việc xem xét xác định quê quán cho công dân căn cứ vào các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch qua các thời kỳ sau đây:

1. Thời điểm thực hiện Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch, nội dung hướng dẫn ghi về quê quán của công dân được nêu tại Biểu mẫu giấy khai sinh TP/HT-1999-A.2, ban hành kèm theo Quyết định số 1203-QĐ/TP-HT, ngày 26/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành biểu mẫu, sổ sách hộ tịch, cụ thể tại mục “Chú thích” có hướng dẫn về cách ghi mục quê quán như sau: “Ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai, thì ghi theo nơi sinh trưởng của mẹ đẻ; trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ, thì để trống”.

Như vậy, trường hợp công dân đăng ký khai sinh vào thời điểm trước ngày 01/4/2006 (ngày Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có hiệu lực thi hành) thì việc xác định quê quán trong giấy khai sinh ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai, thì ghi theo nơi sinh trưởng của mẹ đẻ; trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ, thì để trống.

2. Thời điểm thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, nội dung hướng dẫn ghi mục “quê quán” trong giấy khai sinh được quy định tại điểm e mục 1 phần II Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP, cụ thể: "Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người mẹ”.

Như vậy, trường hợp công dân đăng ký khai sinh từ ngày 01/4/2006 đến 01/01/2016 thì việc ghi quê quán trong giấy khai sinh được xác định theo quê quán của người cha hoặc quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.

3. Thời điểm thực hiện Luật Hộ tịch năm 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016), tại khoản 8, Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Quê quán” của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, công dân đăng ký khai sinh thời điểm từ ngày 01/01/2016 đến nay, quê quán của công dân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh./.