+ Ngày 25/06/2020 Ông/bà Bùi Tuấn Anh, địa chỉ: tổ 18, phường Phan Thiết TP Tuyên quang, Tuyên quang hỏi: Bố, mẹ, ông bà tôi quê quán ở Hà nội nhưng lên Tuyên Quang sinh sống từ những năm 1945, trong giấy tờ của ông và bố tôi quê quán, nguyên quán đều ghi ở Hà Nội, đến nay con tôi ghi quê quán ở Tuyên Quang có được không hay bắt buộc phải ghi ở Hà nội theo như quê gốc của bố, nếu ghi ở Tuyên Quang có sai không , xin cảm ơn

Ngày 29/06/2020 Sở Tư pháp đã trả lời như sau:

Tại khoản 8 Điều 4 Luật hộ tịch năm 2014 quy định: “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 4 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch quy định:

“Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử

1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:...

đ) Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch”.

“Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh…

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”.

Theo đó, quê quán của con sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha mẹ hoặc theo tập quán. Cha mẹ căn cứ vào giấy khai sinh của mình để xác định quê quán của con. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về quê quán phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.