icon icon icon
Tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm giết người và tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh
Thứ Năm, ngày 8 tháng 12 năm 2022 - 13:00 - Lượt xem: 135

Ngày 05/12/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 5108/UBND-NC chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm giết người và tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

 Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tội phạm giết người, nhất là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội và tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo như sau: 

1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh về phòng, chống tội phạm giết người và tội phạm xâm hại trẻ em, trọng tâm là: Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; Văn bản số 1676/TTg-NC ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp về tội phạm giết người; Văn bản số 1292/UBND-NC ngày 18/4/2022 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 23/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. 

2. Công an tỉnh

Tiếp tục tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm giết người và tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động tăng cường nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, thu thập, bổ sung thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý cư trú, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. 

Phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, trách nhiệm pháp lý và hậu quả, hệ lụy của tội phạm là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm đối với gia đình, xã hội; cảnh báo phương thức thủ đoạn phạm tội và hướng dẫn cách xử lý trong các tình huống bị bạo lực, tiềm ẩn bạo lực, xâm hại trẻ em góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho người dân. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra các vụ án, nhất là các vụ án giết người, xâm hại trẻ em bảo đảm xử lý kịp thời, triệt để đúng quy định của pháp luật, không gây bức xúc dư luận xã hội và nhân dân. 

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nâng cao năng lực cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn để chủ động nắm và giải quyết tình hình ngay từ cơ sở, sớm phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hòa giải không để kéo dài. 

Thường xuyên rà soát các gia đình có con trong lứa tuổi chưa thành niên, nhất là các cháu gái có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán; rà soát đưa vào diện quản lý các đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội xâm hại tình dục…có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả. 

Nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác phòng, chống tội phạm của các cấp, các ngành; tham mưu, kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng ngừa, công tác quản lý Nhà nước theo từng lĩnh vực là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm. 

3. Sở Giáo dục và Đào tạo 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 691/QĐ-BGDĐT ngày 11/3/2022 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm trong ngành giáo dục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; thực hiện hiệu quả Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018 - 2025" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 22/2/2019. 

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về tư vấn pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống chống tội phạm; tư vấn về tâm sinh lý, lối sống nền nếp, kỷ cương, giáo dục đạo đức, văn hóa cho học sinh, sinh viên. Thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình, chính quyền địa phương trong quản lý học sinh, sinh viên không để xảy ra vụ án xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm trong các cơ sở giáo dục đào tạo hoặc do học sinh, sinh viên gây ra. Tăng cường vận động các gia đình cho trẻ đi học, hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em bỏ, nghỉ học. Tăng cường công tác tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường và phụ huynh, học sinh, giáo viên để kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các vướng mắc phát sinh. Công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan Công an để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường. 

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực (nhất là trên mạng internet) xâm nhập vào cộng đồng, địa phương; lồng ghép các hoạt động văn hóa gắn với xây dựng các hương ước làng xã, quy ước tại cộng đồng dân cư; có các biện pháp tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình, không để xảy ra tình trạng tảo hôn.  

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các loại hình văn hóa, bài trừ mê tín, dị đoan, các hủ tục trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục… là nguyên nhân phát sinh tội phạm, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh; quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, lễ hội trên địa bàn. Tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là thanh, thiếu niên. 

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội và các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới; theo dõi, tổng hợp tình hình trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. 

 Tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị và người dân về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần dựa vào cộng đồng, không đối xử phân biệt, kỳ thị người mắc bệnh tâm thần. Chủ trì, nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các giải pháp cụ thể trong việc rà soát, quản lý người tâm thần, người cai nghiện ma túy, thống nhất giải pháp đưa số đối tượng mắc bệnh tâm thần ngoài cộng đồng, người cai nghiện ma túy vào quản lý tập trung, điều trị. 

6. Sở Y tế 

Chỉ đạo thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tác hại của rượu bia; ngăn chặn tình trạng sử dụng bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội. Rà soát, lên danh sách quản lý người mắc bệnh tâm thần ở gia đình và ngoài xã hội, có cơ chế chăm sóc, kịp thời phát hiện đưa vào cơ sở điều trị chữa bệnh đối với người bị bệnh tâm thần nặng có nguy cơ cao gây án giết người. Chuẩn đoán, điều trị đối với những người bị rối nhiễu tâm trí, người sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần "ngáo đá" tránh chuyển sang mắc bệnh tâm thần. 

 Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra điều kiện hành nghề kinh doanh, tình hình hoạt động của các cơ sở hành nghề dịch vụ, như: massage, vật lí trị liệu, thẩm mỹ trên địa bàn, tập trung vào một số cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động mại dâm để phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định. 

7. Sở Tư pháp

Phối hợp chỉ đạo quán triệt, phổ biến pháp luật về đấu tranh, phòng chống tội phạm; chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm con người. Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên nhằm xây dựng đội ngũ hòa giải viên có hiểu biết pháp luật và kỹ năng hoà giải, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ, tháo gỡ những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, nhất là những điểm “nóng” về các lĩnh vực đất đai, khiếu nại tố cáo, hôn nhân gia đình... để nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở. 

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người và tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng. Nghiên cứu triển khai các hình thức, phương pháp tuyên truyền đa dạng, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông của các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí, các trang mạng xã hội, các trò chơi trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật và các quy định về quản lý hoạt động văn hóa, các trò chơi trực tuyến... Tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể để quản lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng. 

9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh 

Tăng cường thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực phối hợp với cơ quan, tổ chức xây dựng các chương trình, phóng sự, bản tin, bài viết tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử lành mạnh, cảnh báo về vấn đề bạo lực, tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là hậu quả, hệ lụy do tội phạm giết người và xâm hại trẻ em gây ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tăng cường thời lượng phát sóng, bảo đảm thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân; tôn vinh các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm. 

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh   

Tăng cường quản lý, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức, lối sống văn hóa, phòng, chống tội phạm trong đoàn viên, hội viên, người lao động. Vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình, cộng đồng dân cư.  

Phối hợp với lực lượng Công an làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phát huy vai trò người có uy tín, vị thế cá nhân trong hòa giải, giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn trong đời sống xã hội tại địa bàn cơ sở nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm nói chung và tội phạm giết người, xâm hại trẻ em nói riêng. 

11. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh 

Phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm giết người và tội phạm xâm hại trẻ em, bảo đảm nghiêm minh, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; lựa chọn các vụ án điển hình về giết người, xâm hại trẻ em, gây bức xúc dư luận xã hội, đối tượng coi thường pháp luật, để xét xử điểm, đồng thời tuyên truyền rộng rãi nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân, gia đình, bảo đảm đúng pháp luật. 

12. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố  

Ban hành các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người và tội phạm xâm hại trẻ em, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội của địa phương để giải quyết tốt các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện giải quyết kịp thời, dứt điểm, triệt để các tranh chấp, mâu thuẫn, phát sinh từ cơ sở và tại cơ sở.   

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là tham mưu triển khai các giải pháp phát triển kinh tế đêm gắn với công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm giết người và xâm hại trẻ em; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh ở cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư và hộ gia đình để phòng ngừa, phát hiện tội phạm. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quản lý giáo dục tại gia đình; thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trường học an toàn, không có tệ nạn ma túy.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo tại Văn bản số 5108/UBND-NC; tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./. 

Tin: Nguyễn Hiền

 






Tổng số: 939 | Trang: 1 trên tổng số 94 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: