icon icon icon
Kết quả 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Thứ Hai, ngày 22 tháng 8 năm 2022 - 16:44 - Lượt xem: 1.794

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Qua 10 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:

Thứ nhất, việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; quán triệt, phổ biến Luật được thực hiện kịp thời

Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 15/2014/NQ-HĐND ngày 23/7/2014 ban hành Quy định một số mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH- UBND ngày 28/11/2012 thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ban hành 10 Kế hoạch triển khai thực hiện công tác PBGDPL hằng năm, 97 kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành 10 Kế hoạch công tác PBGDPL hằng năm. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, 7/7 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Luật PBGDPL phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; ban hành 1.754 văn bản triển khai thực hiện công tác PBGDPL.

Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề triển khai Luật PBGDPL cho 100 đại biểu; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục ”Triển khai Luật PBGDPL” trên sóng truyền hình. Các cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố tổ chức 530 hội nghị triển khai Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện 1.590 chuyên mục tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở.

Hai là, hoạt động hướng dẫn, chỉ đạo được quan tâm thực hiện

Hằng năm, UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL, kế hoạch hoạt động, trong đó định hướng nội dung trọng tâm cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến những vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm. 

Sở Tư pháp biên soạn 02 cuốn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác PBGDPL, cung cấp cho 415 báo cáo viên pháp luật; tổ chức 04 Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho 965 đại biểu; phối hợp Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức 01 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 205 đại biểu. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tổ chức 1.209 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 147.673 lượt người.

Ba là, Công tác kiểm tra, thi đua, khen thưởng được thực hiện thường xuyên, kịp thời

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành 10 kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác PBGDPL; thành lập 14 Đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác PBGDPL tại 34 lượt cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 23 lượt Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện. Qua các đợt kiểm tra đã phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, hình thức PBGDPL hiệu quả, phù hợp; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Năm 2018, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã tổ chức kiểm tra tại tỉnh Tuyên Quang, qua kiểm tra đã đánh giá Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đã tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác PBGDPL, nhận thức và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện công tác PBGDPL của các cấp, các ngành trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động PBGDPL được triển khai bài bản, nghiêm túc theo quy định của Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 42 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL giai đoạn 2003   2019; tặng Bằng khen cho 52 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Bốn là, hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL được đổi mới

Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ- UBND ngày 30/9/2013, thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Tuyên Quang với 28 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; ban hành 04 quyết định kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tỉnh.

Hội đồng phối hợp tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/QĐ- HĐPH ngày 10/4/2014 ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng, ban hành 02 quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng phối hợp tỉnh ban hành 03 quyết định ban hành Danh sách thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh; ban hành Quyết định số 02/QĐ- HĐPH ngày 10/4/2014 thành lập Ban Thư ký của Hội đồng với 05 thành viên. Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng đã thành lập Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.

Hội đồng phối hợp PBGDPL đã thực hiện tốt chức năng tư vấn cho UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc thực hiện công tác PBGDPL, tư vấn xây dựng các chương trình, kế hoạch về PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương; các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp PBGDPL; hằng năm, tư vấn về nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến, các đợt cao điểm về tuyên truyền pháp luật; hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác PBGDPL... Thành viên Hội đồng đã tích cực tham mưu, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, tham gia tương đối đầy đủ các cuộc họp và hoạt động của Hội đồng, đã tư vấn, tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức mà mình là đại diện làm thành viên Hội đồng chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; các ngành thành viên Hội đồng đã thực hiện PBGDPL cho công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên của cơ quan, tổ chức mình, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thi hành các luật mới được thông qua; kịp thời tổng hợp báo cáo kết quả công tác PBGDPL của cơ quan, đơn vị với Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh theo quy định.

Năm là, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện sôi nổi, rộng khắp

UBND tỉnh đã  ban hành Kế hoạch số 62/KH- UBND ngày 28/11/2012 thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam và 09 Kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật hằng năm. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thực hiện tốt chức năng tư vấn cho UBND tỉnh trong việc định hướng về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh, đã ban hành 10 kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức 08 phiên họp của Hội đồng chỉ đạo, định hướng nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật hằng năm.  

Chủ đề Ngày Pháp luật hằng năm đã bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, gắn với việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh; quan điểm xuyên suốt của Ngày Pháp luật lấy toàn dân là chủ thể, Hiến pháp và pháp luật làm đối tượng, mục tiêu tôn vinh và khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật nhằm xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành và bảo vệ pháp luật.

Nội dung Ngày Pháp luật hằng năm đã tập trung khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, gắn với giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, phát huy tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật… tuyên truyền, phổ biến các luật mới được Quốc hội thông qua, các luật có liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, Nhân dân; bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương, những nội dung dư luận xã hội quan tâm như: hình sự; dân sự; đất đai; thuế; bảo vệ môi trường; biển đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia; phòng, chống tội phạm; thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp; an toàn thực phẩm; tiếp cận thông tin; hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tín ngưỡng, tôn giáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… 

Hình thức triển khai Ngày Pháp luật đã được thực hiện đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương như: phát động hưởng ứng các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; tập huấn chuyên sâu các văn bản pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cán bộ, Nhân dân; hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ, tổ chức, đoàn thể; ngoại khóa; tuyên truyền lưu động; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; tiếp công dân; xét xử; chiếu phim lưu động lồng ghép tuyên truyền pháp luật; tuyên truyền bằng xe loa; lồng ghép với ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân; treo băng zôn, khẩu hiệu; phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật, hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo luật, pháp lệnh, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; cung cấp dịch vụ pháp lý…

UBND tỉnh đã tổ chức 09 hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật hằng năm, nội dung hưởng ứng được lựa chọn phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương cũng như yêu cầu của công tác PBGDPL, như: Tổ chức Toạ đàm trao đổi về mục đích, ý nghĩa, vai trò của Ngày pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (trực tuyến, sân khấu); phổ biến, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật; tổng kết việc thực hiện công tác thi hành pháp luật. Toàn tỉnh đã tổ chức 26.809 hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt Ngày pháp luật, ngoại khóa, tuyên truyền lưu động, sinh hoạt chi bộ, tổ chức đoàn thể, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tiếp công dân, xét xử, chiếu phim lưu động lồng ghép tuyên truyền pháp luật thu hút 2.773.974 lượt người tham gia; thực hiện 27.947 tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền pháp luật; cung cấp 208.888 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật; tổ chức 169 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 116.587 lượt người tham gia; thực hiện thông qua công tác xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân 595 cuộc/vụ việc cho 10.694 lượt người.

Sáu là, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương  

Nội dung PBGDPL được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 10 Luật PBGDPL; các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền quy định của Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực quản lý nhà nước, các quy định của pháp luật có liên quan thiết thực đến đời sống, sinh hoạt của người dân, trong đó trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế; tuyên truyền về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được đổi mới, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, địa bàn và điều kiện cụ thể của từng ngành, từng cấp. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện đa dạng các hình thức PBGDPL theo quy định tại Điều 11 Luật PBGDPL, cụ thể: Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 102.537 buổi tuyên truyền pháp luật cho 9.992.098 lượt người; thực hiện 37.075 cuộc tư vấn pháp luật cho 68.272 lượt người; thực hiện 522.757 chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tổ chức 994 cuộc/hội thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 457.595 lượt người tham gia; thông qua công tác xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân 10.044 cuộc/vụ việc, tuyên truyền pháp luật cho 19.810 lượt người; tiến hành hoà giải 43.627 vụ việc, trong đó có 37.771 vụ việc hoà giải thành, đạt tỷ lệ 86,6%; biên soạn 6.714 tài liệu tuyên truyền, in, cấp phát 2.196.901 bản, trong đó có 3.455 tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số.

Bảy là, công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được quan tâm thực hiện

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-UBND, ngày 02/8/2011 phê duyệt Đề án "Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, gắn với trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách" (giai đoạn 2011-2015); các cơ quan, đơn vị đã ký kết 07 chương trình phối hợp PBGDPL, trong đó có nội dung tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù; Sở Tư pháp tổ chức thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”.

Hình thức, nội dung PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được thực hiện cơ bản theo đúng quy định của Luật PBGDPL, trong đó có một số hình thức, biện pháp phát huy hiệu quả như: Sở Tư pháp đã tổ chức 2.801 buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động cho 96.167 đồng bào dân tộc thiểu số; biên soạn, cấp phát 720.204 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật; định kỳ hằng tháng biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật đăng tải trên Trang Thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Tuyên Quang; Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp để các cơ quan, đơn vị khai thác, thực hiện tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Công an tỉnh tổ chức 747 buổi tập huấn kiến thức an ninh   quốc phòng cho 149.916 lượt đồng bào dân tộc thiểu số, người theo đạo; tổ chức 601 buổi tuyên truyền pháp luật cho 2.939 phạm nhân; Sở Lao động, Thương binh và xã hội tổ chức 377 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho 48.860 lượt người lao động, người sử dụng lao động; Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức 132 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho 15.260 lượt người lao động, cấp phát 65.000 tài liệu tuyên truyền; Ban Dân tộc tổ chức 127 buổi tuyên truyền pháp luật cho 5.745 lượt người dân tộc thiểu số, cấp phát 64.170 tài liệu tuyên truyền; Sở Nội vụ tổ chức 49 buổi tuyên truyền cho 7.812 lượt người là chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo tin lành...

Tám là, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được thực hiện nền nếp, có hiệu quả

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị tổ chức 09 Cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 117.488 lượt giáo viên, học sinh các cấp tham gia; phát động 11 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 129.127 lượt người tham gia; tổ chức 11 hội nghị phổ biến, tập huấn kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho 5.452 giáo viên; lấy 7.000 phiếu trả lời trắc nghiệm tìm hiểu kiến thức về phòng, chống ma túy tại 08 trường THPT. 

Chín là, quan tâm bố trí nguồn lực cho tổ chức thực hiện Luật PBGDPL

Sở Tư pháp có 02 công chức, UBND cấp huyện có 23 công chức, UBND cấp xã có 247 công chức Tư pháp- Hộ tịch kiêm nhiệm tham mưu thực hiện công tác PBGDPL. Toàn tỉnh có 3.686 báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật (91 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 241 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 3.354 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã). Hằng năm, đội ngũ công chức, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác PBGDPL.  Trong 10 năm, kinh phí ngân sách nhà nước cấp thực hiện công tác PBGDPL là 37.665.564.400 đồng. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn có một số tồn tại, hạn chế và bất cập, như:          

Nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự đầy đủ, một vài nơi chưa thực sự coi trọng công tác này, chưa chủ động thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý, còn coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ riêng của ngành tư pháp; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật PBGDPL chưa được thực hiện thường xuyên.  Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có nhiều đổi mới, song chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là đối với các đối tượng đặc thù; một số chương trình phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động chưa hiệu quả, chưa có nhiều hoạt động phối hợp. Việc cung cấp tin, bài cho Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tuyên Quang chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Một số Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật chưa có kỹ năng tuyên truyền miệng nên tác động phần nào đến chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp. Kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 

Điều 4 Luật PBGDPL quy định “Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật”, tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL nên việc huy động nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác PBGDPL còn gặp khó khăn.

Luật PBGDPL chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong việc tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện PBGDPL đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước, nên nhiều cơ quan, đơn vị coi công tác PBGDPL là trách nhiệm của ngành tư pháp và chưa chủ động, trách nhiệm trong việc PBGDPL đối với lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do:

Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa có sự kiểm tra, đôn đốc sâu sát, thường xuyên việc thực hiện; người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn khó khăn, hạn hẹp; đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở còn ít; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động không đồng đều, một số trình độ và kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh còn thấp, chủ yếu do ngân sách Trung ương hỗ trợ nên việc đầu tư kinh phí cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để tiếp tục hoàn thiện Luật PBGDPL, tỉnh Tuyên Quang kiến nghị:

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL, trong đó bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp trong việc tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện PBGDPL đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước.

Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định tại Điều 4 Luật PBGDPL./.

Minh Hiền

 






Tổng số: 936 | Trang: 1 trên tổng số 94 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: