+ Ngày 23/04/2018 Ông/bà DƯƠNG THU PHƯƠNG, địa chỉ: Xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hỏi: Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính: Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn như sau: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó”. Như vậy, về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử phạt vi phạm hành chính trong 2 trường hợp: - Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; - Hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó. Như vậy, chỉ có thể bị xử phạt về hành vi tảo hôn khi Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn cố ý tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật. rường hợp đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục quan hệ vợ chồng trái pháp luật thì theo Điều 148 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào có một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn; b) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó”. Vậy tôi muốn hỏi: Nếu như theo Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thì Uỷ ban nhân dân cấp xã muốn xử lý vi phạm hành chính hành vi tảo hôn cần phải có quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn của Tòa án hay không?

Ngày 03/05/2018 Sở Tư pháp đã trả lời như sau:

Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn như sau: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó”.

Tại khoản 2, khoản 3 điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật”.

Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn khi Toà án nhân dân có thẩm quyền đã ra quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn cố ý tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật.