icon icon icon
Quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú; nơi cư trú
Thứ Sáu, ngày 16 tháng 7 năm 2021 - 09:47 - Lượt xem: 13.591

Ngày 13/11//2020, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Cư trú, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 (sau đây gọi chung là Luật cư trú) và thay thế Luật Cư trú năm 2006. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 Quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú (Sau đây viết tắt là Nghị định số 62/2021/NĐ-CP). Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang biên tập và giới thiệu các quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú; nơi cư trú, như sau:

A. QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN VỀ CƯ TRÚ

I. Quyền của công dân về cư trú (Điều 8 Luật Cư trú)

1. Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật Cư trú và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

3. Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.

4. Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.

5. Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.

6. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

II. Nghĩa vụ của công dân về cư trú (Điều 9 Luật Cư trú)

1. Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật cư trú và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.

3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

III. Quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú (Điều 10 Luật Cư trú)

1. Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.

2. Người không thuộc trường hợp có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột, nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật Cư trú thì được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào cùng một hộ gia đình.

3. Nhiều hộ gia đình có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp.

4. Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định.

Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.

5. Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của Luật Cư trú; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú về việc trong hộ gia đình có thành viên thuộc trường hợp bị xóa đăng ký thường trú quy định tại khoản 1 Điều 24 và trường hợp bị xóa đăng ký tạm trú quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Cư trú.

6. Thành viên hộ gia đình có quyền và nghĩa vụ thống nhất đề cử chủ hộ; thực hiện đầy đủ quy định về đăng ký, quản lý cư trú.

B. NƠI CƯ TRÚ

I. Nơi cư trú của công dân (Điều 11 Luật Cư trú)

1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống, Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

II. Nơi cư trú của người chưa thành niên (Điều 12 Luật Cư trú )

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác, với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

III. Nơi cư trú của người được giám hộ (Điều 13 Luật Cư trú)

1. Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.

2. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

IV. Nơi cư trú của vợ, chồng (Điều 14 Luật Cư trú)

1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

V. Nơi cư trú của người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang (Điều 15 Luật Cư trú)

1. Nơi cư trú của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sinh viên, học viên các trường Quân đội nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng có nơi cư trú khác theo quy định của Luật Cư trú.

2. Nơi cư trú của sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, học sinh, sinh viên, học viên các trường Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an có nơi cư trú khác theo quy định của Luật Cư trú.

3. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi đơn vị đóng quân đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sinh viên, học viên các trường Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, đối với sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, học sinh, sinh viên, học viên các trường Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

VI. Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển

* Điều 16 Luật Cư trú năm quy định như sau

1. Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển (sau đây gọi chung là phương tiện) là nơi đăng ký phương tiện đó, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định của Luật Cư trú.

Đối với phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ thì nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động là nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ.

2. Chính phủ quy định chi tiết về nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển.

* Điều 3 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định như sau:

1. Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện là nơi đăng ký phương tiện hoặc nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ (nếu phương tiện đó không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ); trừ trường hợp đã đăng ký nơi cư trú khác theo quy định của Luật Cư trú.

2. Nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện là địa điểm thực tế được phép đậu, đỗ mà phương tiện đó đậu, đỗ nhiều nhất trong 12 tháng liên tục do chủ phương tiện tự xác định và đã đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi phương tiện đó đậu, đỗ.

3. Hồ sơ đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện gồm:

a) Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 62/2021-NĐ-CP;

b) Thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu còn hạn sử dụng của chủ phương tiện;
c) Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở;

d) Hợp đồng thuê bến bãi cho phương tiện (nếu có).

Công dân có thể cung cấp bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính của giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký để đơn vị tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu.

4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã xem xét, xác nhận vào Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện cho chủ phương tiện.

5. Chủ phương tiện sử dụng Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện đã được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã xác nhận để đăng ký thường trú, tạm trú cho bản thân mình hoặc người khác sinh sống, làm nghề lưu động trên phương tiện nếu chưa có nơi thường trú, tạm trú nào khác.

6. Trường hợp chủ phương tiện thay đổi nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện thì phải đăng ký lại nơi thường xuyên đậu, đỗ theo quy định của Nghị định số 62/2021-NĐ-CP và thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú mới theo quy định của Luật Cư trú.

VII. Nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (Điều 17 Luật Cư trú)

1. Nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, nhà tu hành, chức sắc, chức việc, người khác hoạt động tôn giáo sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định của Luật Cư trú.

2. Nơi cư trú của trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

VIII. Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp (Điều 18 Luật Cư trú)

1. Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở trợ giúp xã hội.

2. Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là nơi cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

IX. Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú

* Điều 19 Luật Cư trú quy định như sau:

1. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống, Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

2. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn việc khai báo thông tin về cư trú theo các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

3. Trường hợp người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin khai báo, cơ quan đăng ký cư trú tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.

4. Trường hợp người người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận thông tin khai báo, cơ quan đăng ký cư trú tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin.

5. Sau khi kiểm tra, xác minh, cơ quan đăng ký cư trú cập nhật thông tin của công dân về nơi ở hiện tại và các thông tin khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đã khai báo về việc đã cập nhật thông tin.

6. Trường hợp có thay đổi thông tin về cư trú thì công dân phải khai báo lại với cơ quan đăng ký cư trú để rà soát, điều chỉnh thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú thì phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.

7. Chính phủ quy định chi tiết về nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú.

* Điều 4 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định như sau:

1. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện người thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu công dân khai báo thông tin về cư trú, công dân phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện khai báo.

2. Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của công dân đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác của công dân; trường hợp cần thiết, có văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, xác minh và cung cấp thông tin.

Trường hợp qua kiểm tra, xác minh mà xác định thông tin công dân đã khai báo là chưa chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh lại nếu thấy cần thiết. Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.

Sau khi kiểm tra, xác minh mà xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đã khai báo là chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú thực hiện thủ tục cần thiết để cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập, cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân.

3. Nội dung giấy xác nhận thông tin về cư trú bao gồm các thông tin cơ bản về công dân: Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi ở hiện tại; ngày, tháng, năm khai báo cư trú.

4. Người đã được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú có trách nhiệm đăng ký thường trú hoặc tạm trú ngay khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú; trường hợp vẫn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú nhưng có thay đổi về thông tin nhân thân thì phải khai báo lại với Công an cấp xã nơi đã cấp giấy xác nhận để rà soát, cập nhật thông tin về nhân thân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào giấy xác nhận thông tin về cư trú của công dân và thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiến hành việc cập nhật thông tin về hộ tịch và cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân cho công dân theo thẩm quyền./. 






Tổng số: 918 | Trang: 1 trên tổng số 92 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: